Chính quyền Tùy tan rã Tùy_mạt_Đường_sơ

Mặc dù các hoạt động khởi nghĩa nông dân gia tăng ở phương Bắc, song Tùy Dạng Đế không quay trở về kinh thành Trường An hay ở tại đông đô Lạc Dương, mà lại đến Giang Đô (江都, nay thuộc Dương Châu, Giang Tô) vào mùa thu năm 616. Những người nổi dậy gần Lạc Dương đã kết hợp lại dưới quyền cựu chiến lược gia Lý Mật của Dương Huyền Cảm, Lý Mật tự xưng là Ngụy công. Tuy nhiên, Lý Mật đã không thể chiếm được Lạc Dương và không bao giờ xưng đế.

Trong khi đó, Dương Nghĩa Thần tiến hành một nỗ lực nhằm tiêu diệt quân "phản loạn" ở phía bắc Hoàng Hà, và có được một số thành công, song Tùy Dạng Đế và thừa tướng Ngu Thế Cơ (虞世基) lại lo sợ sức mạnh quân sự của Dương Nghĩa Thần nên đã triệu hồi ông dưới danh nghĩa thăng chức, vì thế mà các hoạt động nổi dậy ở phía bắc Hoàng Hà lại tái phục hồi và trở nên khó kiểm soát, dưới quyền lãnh đạo của Đậu Kiến Đức.

Năm 617, một vài trong số các thủ lĩnh khởi nghĩa lớn khác bắt đầu kiểm soát được các phần lãnh thổ đáng kể. Họ bao gồm:

  • Đỗ Phục Uy, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân, chiếm khu vực nay là nam bộ An Huy.
  • Cao Khai Đạo, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân, chiếm khu vực nay là cực bắc Hà Bắc.
  • Lương Sư Đô, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân, chiếm khu vực nay là trung bộ Nội Mông, tự xưng là Lương Đế.
  • Lý Quỹ, nguyên là quan triều Tùy, chiếm khu vực nay là trung bộ và tây bộ Cam Túc, tự xưng là Lương Vương.
  • Lý Uyên, nguyên là quan triều Tùy, chiếm khu vực nay là trung bộ Sơn Tây, tuyên bố muốn lập hoàng tôn Dương Hựu của Tùy Dạng Đế làm hoàng đế.
  • Lâm Sĩ Hoằng, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân, chiếm khu vực nay là Giang TâyQuảng Đông, tự xưng là Sở Đế.
  • Lưu Vũ Chu, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân, chiếm khu vực nay là bắc bộ Sơn Tây, tự xưng là Định Dương khả hãn.
  • La Nghệ, nguyên là tướng triều Tùy, chiếm khu vực Bắc Kinh ngày nay.
  • Tiêu Tiển, nguyên là quan triều Tùy, hoàng tôn của Tây Lương Tuyên Đế, chiếm khu vực nay là Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, và bắc bộ Việt Nam, tự xưng là Lương Đế.
  • Tiết Cử, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân, chiếm khu vực nay là đông bộ Cam Túc và tây bộ Thiểm Tây, tự xưng là Tây Tần Bá Vương.
  • Chu Xán, nguyên là quan triều Tùy, cùng tướng sĩ đi các nơi tại nam bộ Hà Nam và đông nam bộ Thiểm Tây ngày nay, đầu tiên tự xưng là Già Lâu La Vương, và sau đó tự xưng là Sở Đế.

Một vài trong số các thủ lĩnh này—bao gồm Lý Uyên, Lưu Vũ Chu, Lương Sư Đô, Đậu Kiến Đức và Cao Khai Đạo—từng chính thức thần phục A Sử Na Đốt Cát Thế và tiếp nhận viện trợ quân sự của Đông Đột Quyết, theo chiến lược duy trì hiện trạng Trung Hoa bị phân liệt của vị Đông Đột Quyết khả hãn này. Vào mùa đông năm 617, Lý Uyên chiếm Trường An, lập Dương Hựu làm hoàng đế, tức Cung Đế, trong khi tôn Tùy Dạng Đế là "thái thượng hoàng"; các tuyên bố này không được hầu hết lãnh thổ Tùy công nhận, họ vẫn xem Tùy Dạng Đế là hoàng đế. Lý Uyên trở thành người nhiếp chính, có chức đại thừa tướng và được tấn phong là Đường vương.